Ngày 3/11, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, tàu lặn của Công ty CP Vinpearl là phương tiện nhập khẩu, đã được đưa về nước và đang trong thời gian kiểm tra, thử nghiệm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
“Khi hoạt động, tàu lặn trên được hỗ trợ bởi một phương tiện thủy khác. Hiện phương tiện hỗ trợ đang trong thời gian đóng mới, dự kiến sẽ hoàn thành để đánh giá, cấp chứng nhận kiểm định trong 3-4 tháng nữa. Như vậy, khoảng sau thời gian trên tàu chở khách du lịch mới có thể đi vào hoạt động”, theo đại diện Cục Đăng kiểm VN.
Được biết, khoảng tháng 5/2020, Cục Đăng kiểm VN nhận được đề nghị của Công ty Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) về việc hướng dẫn thủ tục, hồ sơ kiểm định chất lượng một tàu lặn biển chở khách du lịch mà doanh nghiệp đặt mua tại Tây Ban Nha để đưa về nước hoạt động.
Trang thông tin chính thức của hãng chế tạo thiết bị lặn Triton Submarines LLC của Tây Ban Nha trước đó loan báo về việc sau các thử nghiệm trên biển theo lịch trình vào tháng 3/2020 và sẽ bàn giao chiếc tàu lặn đầu tiên từ loạt tàu DeepView cho một khách hàng châu Á.
Con tàu DeepView 24 được cho là Công ty Vinpearl mua, có chiều dài 15,4m, chở được 24 hành khách cùng 2 người điều khiển, có thể lặn sâu 100m và trang bị hệ thống điều hoà không khí. Tàu gắn một dàn 10 đèn LED có độ rọi sáng 20.000 lux và cửa sổ toàn cảnh nhìn qua lớp kính bằng vật liệu acrylic trong suốt dày 5,5 inch, giúp quan sát chính xác vật thể ở độ sâu 100m. Con tàu hoạt động nhờ động cơ điện và cấp điện từ khối pin đủ cho 14 giờ hoạt động liên tục, tốc độ lặn tối đa là 3 hải lý/giờ (khoảng 6 km/giờ).
Tàu được thiết kế bởi hãng Paul Moorhouse và được chế tạo tại xưởng của Triton ở Barcelona (Tây Ban Nha). Theo một trang tin hàng hải, để đặt hàng một con tàu như DeepView 24, khách hàng phải đợi 18 tháng để được giao hàng. Mức giá trọn gói bao gồm cả đào tạo vận hành vào khoảng 7,7 triệu USD (tương đương 180 tỷ đồng).
Bình luận